Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính, xảy ra khi hệ miễn dịch thay vì bảo vệ lại tấn công màng hoạt dịch bao quanh khớp, gây viêm. Hậu quả là bao hoạt dịch dày lên, phá hủy sụn và xương trong khớp. Các gân và dây chằng giữ khớp với nhau cũng yếu, căng giãn ra. Dần dần khớp mất đi hình dạng ban đầu, còn gọi biến dạng khớp.
Có nhiều bằng chứng cho thấy béo phì hoặc thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Chất béo hoặc mô mỡ sản xuất ra các hormone làm tăng mức độ viêm của cơ thể. Hơn nữa, trọng lượng cơ thể lớn tạo áp lực lên đầu gối, hông và khớp mắt cá chân.
Ăn uống và tập thể dục phù hợp có thể giúp người bệnh đạt được cân nặng khỏe mạnh, làm chậm quá trình tiến triển viêm khớp dạng thấp và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chế độ ăn
Thực phẩm nên ăn
Một số loại thực phẩm chính có tác dụng cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp gồm nấm, sữa và nước cam tươi. Thực phẩm giàu polyphenol như trái cây, rau, gia vị (nghệ và gừng) có tác dụng chống viêm. Thêm một tách trà xanh có thể tăng lượng chất chống oxy hóa và giúp khớp khỏe.
Một trong những chất dinh dưỡng chống viêm hiệu quả nhất là axit béo omega-3. Đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, omega-3 làm giảm các đợt bùng phát và nhu cầu dùng thuốc giảm đau. Người bệnh có thể bổ sung omega-3 bằng cách ăn cá hai lần mỗi tuần hoặc trao đổi với bác sĩ về việc dùng thực phẩm bổ sung. Với người ăn chay, hạt chia và hạt lanh có thể là nguồn omega-3 tốt.
Chế độ ăn Địa Trung Hải, trong đó ưu tiên dầu ôliu, đậu lăng, cá mòi, gạo lứt, rau cải bó xôi, cà chua, lựu và nho trong thực đơn cũng có thể ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh.
Thực phẩm nên tránh
Thực phẩm chế biến sẵn có xu hướng gây viêm, chứa nhiều muối, đường và chất béo không lành mạnh, người bệnh viêm khớp dạng thấp nên tránh. Thay vì ăn thịt xông khói, xúc xích, nên dùng thịt gà hoặc thịt bò tươi. Chọn các nguồn protein chay như đậu phụ để giảm lượng chất béo bão hòa và natri nạp vào cơ thể, đồng thời tăng cường polyphenol.
Cắt giảm nước ngọt, đồ uống có đường và thay thế bằng nước lọc. Thanh granola, ngũ cốc ăn sáng, sữa chua thêm hương vị, súp, nước sốt trộn salad, nước sốt và đồ ăn nhẹ chứa đường bổ sung. Người bệnh nên kiểm tra nhãn thành phần để hạn chế những thực phẩm này.
Thường xuyên tập thể dục giúp duy trì cân nặng phù hợp và tăng cường sức khỏe xương khớp. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông
Chế độ vận động
Hoạt động thể chất là cách chủ động để giảm viêm. Thay vì các bài tập tác động mạnh như chạy và nhảy, người bệnh viêm khớp dạng thấp nên chọn các bài tập tác động thấp để tăng mức năng lượng, giảm đau khớp. Các bài tập kháng lực giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ, hỗ trợ nâng đỡ cho khớp.
Đi bộ là hình thức vận động phù hợp nhưng người bệnh viêm khớp dạng thấp nên chọn giày có đế đệm phòng tránh gây áp lực lên đầu gối. Bơi lội hoặc thể dục nhịp điệu dưới nước cho phép cơ thể chuyển động mà không làm tổn thương khớp. Đạp xe đạp cố định hoặc đạp xe ngoài trời là cách khác để vận động khi bị viêm khớp.
Trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu hình thức vận động mới, nhất là người đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường hoặc huyết áp. Khi bệnh bùng phát, người bệnh lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi một ngày để phục hồi nếu cần.
Giảm cứng khớp và tăng phạm vi chuyển động bằng các động tác kéo giãn cơ thể. Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể khi tập thể dục. Thoa kem chống nắng khi vận động ngoài trời.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp