Gia đình cho biết trẻ đột ngột xuất hiện đau đầu nhưng không đi viện, chỉ uống thuốc tại nhà. Khi cơn đau tăng dần, mọi người đưa trẻ đi cấp cứu tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Các bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm, chọc dịch não tủy, kết quả chẩn đoán viêm màng não. Một tuần trước, em gái bệnh nhân cũng nhập viện do bệnh này.
Bác sĩ sử dụng kháng sinh, giảm đau, hạ sốt và giảm viêm theo phác đồ. Sau 5 ngày, tình trạng sức khỏe trẻ ổn định.
Trường hợp khác, nữ, 5 tuổi, nhập viện do đau đầu từng cơn, nôn ba lần mỗi ngày, sốt nhẹ. Gia đình đã sử dụng thuốc giảm đau tại nhà nhiều ngày nhưng không cải thiện. Bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy, phát hiện số lượng tế bào tăng cao, PCR dương tính với virus Enterovirus gây viêm màng não.
Ngày 5/10, bác sĩ Ngô Thị Huyền Trang, Khoa Nhi, cho biết viêm màng não do virus xảy ra quanh năm, nhưng thường gặp hơn vào mùa hè thu. Bệnh lây qua đường hô hấp và chạm vào bề mặt chứa virus...
Biểu hiện thường gặp nhất là đau đầu, kèm buồn nôn, nôn và sốt nhẹ nên rất dễ nhầm lẫn. Một số trẻ có xuất hiện các mụn nước khu trú hoặc phát ban sẩn toàn thân, nhưng ít gặp. Để chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm PCR để tìm virus.
Viêm màng não nguy hiểm, có thể để lại nhiều di chứng không phục hồi như mù lòa, điếc, liệt, đoạn chi, suy giảm trí tuệ... Bệnh nhân viêm màng não mô cầu có thể tử vong nhanh trong 24 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Những biểu hiện ban đầu như sốt, đau đầu, mệt mỏi, dễ bị chẩn đoán nhầm với cảm thông thường, khó phân biệt. Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%.
Hiện viêm màng não không có thuốc đặc trị và vaccine phòng bệnh.
Để phòng ngừa, mọi người nên rửa tay chân sạch với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho. Ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng.
Vệ sinh đồ chơi chung, khử trùng hàng ngày sau mỗi buổi chơi. Giữ không gian sống sạch sẽ, khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn, ghế để ngăn ngừa lây lan virus.
Thùy An