Người dân Brazil, quốc gia lớn nhất Nam Mỹ, vài tuần qua khó thở vì ô nhiễm không khí, khi châu lục chật vật đối phó với tình trạng khô hạn và cháy rừng. Hàng triệu hecta rừng và đất nông nghiệp đã bị thiêu rụi ở Argentina, Brazil, Bolivia, Colombia, Ecuador, Paraguay và Peru, gây ra những đám khói lớn bao trùm nhiều khu vực.
Tòa nhà quốc hội Brazil mờ ảo trong khói do cháy rừng tại Công viên Quốc gia brasilia ngày 16/9. Ảnh: AFP
Lưu vực sông Amazon đang trải qua các đợt cháy rừng nghiêm trọng nhất trong gần 20 năm, theo trung tâm khí tượng Copernicus của Liên minh châu Âu (EU). Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu quốc gia về không gian (INPE), 80% diện tích Brazil bị khói mù do cháy rừng bao trùm.
"Bình thường tôi vẫn hút thuốc, nhưng giờ đây ho nhiều hơn mọi khi", Luan Monteiro, 20 tuổi, sinh viên, cho biết tại cảng Rio de Janeiro.
Theo chuyên gia, hít khói từ cháy rừng tương đương hút 4-5 điếu thuốc mỗi ngày. Bác sĩ nhi Renato Kfouri, phó chủ tịch Hiệp hội Tiêm chủng Brazil, cho hay ô nhiễm không khí khiến bệnh viêm phế quản và hen suyễn nghiêm trọng hơn, người dân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu hít thở không khí ô nhiễm trong thời gian dài.
Trong một bệnh viện lớn ở thủ đô Brasilia, số bệnh nhân điều trị bệnh hô hấp gần đây cao gấp 20 lần bình thường, khi thành phố đã trải qua 160 ngày không mưa. Valderes Loyola, bà nội trợ, cố gắng làm ẩm không khí bằng cách cho quạt thổi vào khăn ướt và xô nước.
"Mỗi lần ra ngoài đường, tôi đều phải đeo khẩu trang", người phụ nữ 72 tuổi nói.
Sao Paulo, đô thị lớn nhất Mỹ Latin, tuần trước đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới liên tục vài ngày, theo công ty quan trắc ô nhiễm IQAir trụ sở tại Thụy Sĩ.
"Chất lượng không khí" là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng Internet ở Brazil hiện nay, cùng các từ "máy tạo độ ẩm" và "máy lọc không khí", theo Google Trends.
Chuyên gia cảnh báo hệ thống giám sát chất lượng không khí ở Brazil đã lạc hậu và chính quyền thiếu phương án xử lý ô nhiễm khói mù khẩn cấp.
Evangelina Arujo, chuyên gia viện nghiên cứu ô nhiễm Instituto Ar, cho hay chưa tới 2% thành phố ở Brazil lắp đặt trạm giám sát chất lượng không khí. Cứ 5 thành phố thì chỉ có một nơi đủ năng lực phát hiện bụi mịn trong khói bụi để cảnh báo.
Chính quyền Brazil tuyên bố hoạt động của con người, trong đó có vấn đề khai hoang rừng để canh tác nông nghiệp, là nguyên nhân chính gây ra đa số các vụ cháy rừng gần đây.
Bolivia, quốc gia láng giềng với Brazil, ngày 30/9 tuyên bố thảm họa quốc gia về cháy rừng. Santa Cruz là tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 7,2 triệu ha bị thiêu rụi từ tuần trước tới nay.
Hồng Hạnh (Theo AFP)