Bác sĩ Hoàng Tiến Lên, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lý giải giai đoạn đầu tiền mãn kinh (khoảng 40-47 tuổi) tín hiệu phản hồi giữa buồng trứng, vùng dưới đồi, tuyến yên suy giảm. Số lượng tế bào mỡ tăng gây tăng cân. Thay đổi hormone có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin khiến cơ thể khó sử dụng đường trong máu hiệu quả, dẫn đến tích mỡ, nhất là ở vùng bụng.
Vào giai đoạn cuối tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều, buồng trứng sản xuất ít estrogen hơn khiến trao đổi chất, tốc độ cơ thể chuyển đổi năng lượng dự trữ thành năng lượng hoạt động chậm lại. Hoạt động của hormone peptide giống glucagon-1 (GLP-1) có tác dụng kiểm soát đường máu và làm chậm tốc độ rỗng của dạ dày cũng suy giảm, dẫn đến những thay đổi về cảm giác thèm ăn.
Chức năng của hormone leptin và neuropeptide Y giúp kiểm soát cảm giác no bị ức chế. Nồng độ "hormone đói" ghrelin tăng cao hơn so với bình thường. Do đó, phụ nữ ở giai đoạn này thường tăng cảm giác thèm ăn. Estrogen giảm cũng gây giữ nước trong cơ thể, khiến phụ nữ tăng cân.
Một số phụ nữ thường xuyên căng thẳng, mất cân bằng dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa ở gan, mức cholesterol thấp, suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)... khiến mức progesterone giảm. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng hormone, cơ thể nhận diện dư thừa estrogen, ảnh hưởng đến cân nặng.
Tăng cân cũng có thể xảy ra như một phần của quá trình lão hóa, theo bác sĩ Tiến Lên. Hormone estrogen giảm, hệ vi sinh đường ruột thay đổi, một số loại gia tăng số lượng theo tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi và vitamin D, gây giảm mật độ xương. Đau nhức cơ xương khớp khiến nữ giới vận động ít hơn so với thời trẻ. Tuổi cao, tốc độ sử dụng hết năng lượng trong khi tập luyện thể dục thể thao cũng giảm đi, dẫn đến mất khối lượng cơ bắp, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất.
Giấc ngủ của nữ giới ở giai đoạn này cũng bị rối loạn do bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm... Những thay đổi về tâm lý, cảm xúc dẫn đến ăn uống không kiểm soát, mất cân bằng nếu tăng thực phẩm giàu calo và ít dinh dưỡng. Nữ giới sử dụng các thuốc điều trị bệnh mạn tính như đau khớp, huyết áp... có thể gặp tác dụng phụ tăng cân. Một số người có xu hướng tăng cân trong giai đoạn mãn kinh do yếu tố di truyền, tức gia đình có tiền sử béo phì.
Theo bác sĩ Tiến Lên, trung bình mỡ nội tạng tăng, chiếm 5-8% tổng lượng mỡ cơ thể khi tiền mãn kinh, tỷ lệ này ở hậu mãn kinh là 15-20%. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, tim mạch, hô hấp, tiểu đường...
Để kiểm soát cân nặng, bác sĩ khuyên phụ nữ nên tăng cường hoạt động thể chất vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần như đi bộ nhanh, aerobic... hoặc 75 phút mỗi tuần nếu hoạt động mạnh như chạy bộ. Các bài tập rèn luyện sức mạnh cơ bắp nên thực hiện ít nhất hai lần mỗi tuần.
Chú trọng chế độ ăn uống, tăng cường thực phẩm giàu protein, chất xơ, hạn chế đường, tinh bột, cắt giảm đồ uống và thực phẩm chứa nhiều đường để giảm gia tăng mỡ bụng. Từ 50 tuổi trở đi, cơ thể cần giảm 200 calo mỗi ngày so với tuổi 30-40. Hạn chế căng thẳng bằng cách thiền, tập yoga, đọc sách, nghe nhạc, đi dạo... và ngủ đủ giấc mỗi ngày cũng kiểm soát cân nặng.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp