Trả lời:
Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi tình trạng lượng đường trong máu tăng cao. Nếu không được kiểm soát, theo thời gian, bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng lên các cơ quan như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh... Bệnh tiểu đường type 2 phổ biến hơn bệnh tiểu đường type 1.
Mục đích điều trị là giúp ổn định đường huyết, giảm các triệu chứng của bệnh và phòng ngừa biến chứng. Người mắc bệnh tiểu đường thường phải sử dụng thuốc hạ đường huyết hoặc insulin suốt đời, gây ra tâm lý quan ngại, lo lắng khi muốn hiến máu nhân đạo.
Carbohydrate trong thức ăn và đồ uống khi vào cơ thể được chuyển hóa thành glucose (đường). Glucose vào máu, được sự hỗ trợ của insulin (hormone tiết ra từ tuyến tụy) đưa đến tế bào và chuyển hóa thành năng lượng, phục vụ cơ thể.
Ở người bệnh tiểu đường có hai trường hợp xảy ra. Cụ thể là insulin tiết ra đủ nhưng cơ thể kháng insulin (hoạt động không bình thường, giảm hiệu quả) hoặc tế bào beta tuyến tụy suy yếu khiến sản xuất không đủ hoặc không sản xuất insulin gây thiếu hụt insulin, từ đó dẫn đến đường trong máu người bệnh cao mạn tính.
Tình nguyện viên hiến máu nhân đạo. Ảnh: Đinh Tiên
Hiến máu góp phần cung cấp máu, hỗ trợ điều trị cho nhiều người bệnh có nhu cầu truyền máu. Với người hiến máu, cho máu góp phần thay đổi một lượng lớn các tế bào máu "già" và tăng sản sinh tế bào máu mới khỏe mạnh.
Người có điều kiện hiến máu cần đảm bảo có đủ sức khỏe bình thường, cân nặng trên 42 kg với nữ và trên 45 kg với nam, độ tuổi 18-60, lượng máu hiến một lần không quá 90 ml/kg cân nặng, huyết sắc tố lớn hơn hoặc bằng 120 g/l.
Những người không đủ điều kiện hiến máu gồm:
Người mắc bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu như HIV, viêm gan B hoặc C, giang mai, lậu, sùi mào gà...
Người đã hiến máu lần gần nhất 12 tuần trước hoặc hiến thành phần máu trước đó ba tuần, vừa đi đến những khu vực có dịch bệnh lây truyền qua muỗi, gồm sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm virus zika...
Phụ nữ đang mang thai và có con nhỏ dưới một tuổi, đang bị cảm cúm, đau họng, mụn rộp, bệnh dạ dày, nhiễm trùng...
Người quan hệ tình dục không an toàn như nguy cơ cao bệnh lây nhiễm bệnh HIV, lậu, giang mai...
Người đang sử dụng các loại thuốc có nguy cơ gây dị tật thai gồm thuốc thalidomide, finasteride, retinoids, mắc các bệnh lý như tim mạch huyết áp...
Nam có quan hệ tình dục với người cùng giới, vừa hút thuốc, uống rượu bia.
Người bệnh tiểu đường không nằm trong nhóm không đủ điều kiện hiến máu. Do đó, bạn vẫn có thể đăng ký hiến máu, nếu không mắc bệnh nền cũng như các tình trạng sức khỏe chống chỉ định hiến máu nêu trên.
Trước khi hiến máu, bạn nên tầm soát sức khỏe kỹ lưỡng, loại bỏ nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, thận, cao huyết áp, thần kinh... Người bệnh cũng cần đo đường huyết, đảm bảo đường huyết ổn định khi hiến máu. Người đang mắc các bệnh mạn tính như trên nhưng không được phát hiện trước đó có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sau khi hiến máu.
Người mắc bệnh tiểu đường không nên hiến máu nếu thường xuyên bị hạ đường huyết và hạ đường huyết gần đây. Người bệnh cần phải đảm bảo HbA1c, tức chỉ số đánh giá đường huyết trung bình của một người trong 2-3 tháng, ổn định dưới 7%.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim TuyềnKhoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp