Những vị trí mắc zona thần kinh dễ biến chứng

07/01/2025
|
0 lượt xem
Mẹo Tư Vấn Sức Khỏe Vaccine
Những vị trí mắc zona thần kinh dễ biến chứng

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết zona thần kinh do virus Varicella Zoster (VZV) tiềm ẩn trong rễ hạch thần kinh tái hoạt động gây ra. Ai cũng có thể mắc, nhất là người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm, bị bệnh mạn tính, thường xuyên căng thẳng tâm lý.

Bác sĩ Chính chỉ ra các vị trí mắc zona thần kinh có thể gây biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống và sinh hoạt thường ngày.

Mắt

Khoảng 10-15 % trường hợp bị zona ở mắt. Triệu chứng ban đầu gồm đau rát, ngứa, nhức, sốt nhẹ, sưng đỏ vùng da quanh mắt. Tiếp đó, người bệnh xuất hiện các nốt phát ban, bọng nước ở mí, khóe, bọng mắt, võng mạc và khu vực lân cận như trán, mũi, má, gây ngứa ngáy, khó chịu.

Người bị zona mắt có thể đối mặt loạt triệu chứng xấu liên quan thị lực như tầm nhìn bị mờ, nhạy cảm trước ánh sáng, tác động cả da trán, mí mắt trên và hốc mắt.

Khoảng 10-25% trường hợp mắc zona thần kinh mắt bị viêm kết mạc, viêm màng bồ đào và liệt dây thần kinh thị giác. Điều trị chậm trễ có thể dẫn đến viêm mắt mãn tính, mất thị lực, đau dữ dội.

Liên sườn và ngực bụng

Vị trí này thuộc thể lâm sàng, thường gặp nhất, chiếm khoảng 50% trường hợp mắc. Dấu hiệu chủ yếu là đau nhức một bên cơ thể (trái hoặc phải), xuất phát từ ngực rồi lan ra mạn sườn, có thể kéo dài đến sau cột sống. Đồng thời, vùng da vị trí này khá nhạy cảm bởi các cơn đau, rát tăng rõ khi ấn, sờ vào. Cơn đau có thể liên tục hoặc gián đoạn, nặng nhất vào ban đêm.

Zona thần kinh liên sườn không nguy hiểm tính mạng, song đau nhức liên tục có thể ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý người bệnh, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể bị biến chứng phá hủy tế bào thần kinh cột sống và chức năng truyền tín hiệu từ da bị rối loạn, ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày, khó tập trung, ngủ kém.

Vị trí zona ở liên sườn người mắc. Ảnh: Vecteezy

Tai

Tai là vị trí phổ biến khác của zona. Người bệnh thường bị sốt, đau mình mẩy, nhức đầu, mệt mỏi, nước tiểu vàng... Kèm theo đó là dấu hiệu đau tai dữ dội, cảm giác rát như bị bỏng, khó chịu dọc ống tai ngoài, vùng da trước và sau tai.

"Người bệnh cảm thấy đau nhức sâu trong tai. Triệu chứng đau tai diễn biến thành từng cơn, kéo dài vài ngày. Đôi khi cảm giác đau lan xuống miệng, họng. Cùng với đó là rối loạn cảm giác ở họng, lưỡi, khi ăn uống như dùng phải đồ nóng", bác sĩ Chính cho hay.

Nếu không điều trị kịp thời, thể zona tai nặng có thể để lại di chứng đau rát dây thần kinh kéo dài, tổn thương dây thần kinh điều khiển vận động cơ mặt (dây VII), dẫn đến liệt mặt ngoại biên một bên (còn gọi hội chứng Ramsey - Hunt). Ngoài ra, người bệnh nghe kém, xuất hiện tiếng ù như ve, dế kêu, có thể dẫn đến điếc.

Miệng

Zona miệng là tình trạng các bọng nước li ti xuất hiện quanh miệng, viền môi, lưỡi, nướu, vòm họng, khoang miệng và các khu vực da khác, gây ngứa ngáy khó chịu.

Ở một số trường hợp, bọng nước lan sang khu vực lân cận như cằm, má và mũi. Nếu phát ban và bọng nước zona thần kinh xuất hiện trong miệng, người bệnh sẽ đau đớn khi giao tiếp, ăn uống, thay đổi khẩu vị, ảnh hưởng việc sinh hoạt hàng ngày.

Bác sĩ lưu ý zona vị trí này thường bị nhầm lẫn với nhiệt miệng, đau răng dẫn đến bỏ qua "thời gian vàng" điều trị hoặc trị sai cách.

Mặt

Khi bị zona vị trí này, người bệnh cảm nhận bị châm chích, nóng rát, ngứa ran toàn mặt, Sau đó, phát ban và bọng nước xuất hiện hình chùm vùng da quanh mắt, lan đến trán, da đầu, thái dương, một bên gò má hoặc da quanh cằm.

Bác sĩ chỉ ra mặt có cấu tạo đặc biệt, nhạy cảm, khi bị zona thần kinh, người bệnh thường cảm thấy đau đớn, bỏng rát, khó chịu, mất thẩm mỹ. Đôi khi để lại di chứng nặng nề suốt đời như mù vĩnh viễn, liệt mặt.

Tiêm vaccine zona thần kinh tại VNVC. Ảnh: Nhật Linh

Ngoài ra, zona cũng xuất hiện ở cổ, gáy cổ, hông, bụng, đùi, bẹn, vùng sinh dục... Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ Chính khuyến cáo khi không may mắc zona, người bệnh cần điều trị sớm, giữ vùng da sạch sẽ, hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá hay dùng chất kích thích. Ngoài ra, mọi người nên có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục để tăng sức đề kháng. Cố gắng không gãi hay khiến mụn nước vỡ ra để tránh nhiễm trùng da.

Hiện Việt Nam đã có vaccine phòng zona thần kinh Shingrix do hãng dược phẩm GSK (Bỉ) sản xuất, có thể ngăn 97% bệnh với người trên 50 tuổi; 70-87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc sử dụng các thuốc, liệu pháp điều trị gây ức chế hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch.

Vaccine đồng thời giảm biến chứng đau thần kinh sau zona hơn 90%. Người 50 tuổi trở lên tiêm hai mũi, cách nhau hai tháng. 18 tuổi trở lên và nguy cơ cao mắc zona thần kinh, tiêm hai mũi cách nhau một tháng.

Diệu Thuần

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.
Tin liên quan
Tin Nổi bật