Trả lời:
Tình trạng của bạn cũng là vấn đề chung của nhiều chị em, nhất là người đã trải qua sinh nở. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc tử cung yếu, đôi khi là do tư thế không phù hợp.
Són tiểu không kiểm soát do hoạt động chứa đựng, tống xuất nước tiểu ở bàng quang gặp trục trặc. Nguyên nhân có thể do yếu cơ sàn chậu sau sinh, quá nhiều nước ở bàng quang gây cảm giác buồn tiểu hay bị són tiểu do bàng quang hoạt động quá mức. Các triệu chứng tiểu dễ nhận biết ở nữ giới như dễ són tiểu (khi ngủ, hắt hơi, ho, đang vận động, tập thể dục hoặc quan hệ...), cảm giác muốn đi tiểu ngay lập tức, đi vệ sinh nhiều lần trong ngày.
Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa niệu nữ, tiết niệu để được khám, tư vấn, xét nghiệm tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp, tránh tình trạng trở nặng ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Không khám, điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng như các vấn đề về da (phát ban, nhiễm trùng da, lở loét), nhiễm trùng đường tiết niệu. Bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp như xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, ghi chép nhật ký bàng quang, đo áp lực bàng quang, nội soi bàng quang...
Người bệnh được điều trị chứng tiểu không kiểm soát bằng phương pháp đặt lưới TOT nâng niệu đạo. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bạn nên đi tiểu trước khi quan hệ, thử đổi các tư thế khác nhau để tránh tạo áp lực lên bàng quang. Chia sẻ với chồng về tình trạng của mình để tạo tâm lý thoải mái nhất. Thực hiện bài tập kegel giúp tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu, có thể cải thiện tích cực tình trạng tiểu không tự chủ ở phái nữ.
Tăng cường tập thể dục, kiểm soát cân nặng, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Tránh đồ uống có cồn, các chất kích thích vì đây là một trong những nguyên nhân kích thích bàng quang, dẫn đến buồn tiểu khi quan hệ.
TS.BS Lê Phúc LiênTrưởng Đơn vị Niệu nữ Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp